Bố mẹ có biết, việc chuẩn bị đầy đủ về sức khỏe từ trước khi mang thai là vô cùng quan trọng với sức khỏe thai nhi. Bố mẹ nên lưu ý điều gì khi có dự định sinh em bé? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Khám tiền sinh sản cho cả bố và mẹ
Việc khám sức khỏe bố và mẹ trước khi mang thai sẽ giúp bố mẹ nhận thức về tình trạng sức khỏe của bản thân để có kế hoạch điều trị và phòng ngừa thích hợp, từ đó giảm nguy cơ dị tật bẩm và các bệnh di truyền cho trẻ. Đây là bước đầu vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe cho bé trong thai kỳ, tránh tình trạng sinh non.
Tiêm vacxin đầy đủ
Nhờ y học phát triển nên hiện nay bố mẹ có thể dễ dàng tìm được các gói tiêm vacxin tiền thai sản tại các bệnh viện tư và công. Thời gian tiêm phòng yêu cầu có thể từ tối thiểu 1 tháng và tới 6 tháng. Bố mẹ có thể tham khảo những vacxin cần tiêm được cung cấp bởi VNVC dưới đây nhé.
VẮC XIN CẦN TIÊM PHÒNG TRƯỚC KHI MANG THAI
Từ bỏ hoặc hạn chế các chất kích thích
Những chất kích thích như rượu, bia đều có ảnh hưởng không tốt với quá trình thụ tinh cho dù ở nam hay nữ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các việc uống rượu bia trong quá trình chuẩn bị mang thai (trong 6 tháng) có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh cho trẻ sơ sinh.
Tương tự với thuốc lá, các chuyên gia khuyên rằng bố mẹ nên bỏ hẳn thuốc lá trong 3 tháng trước khi chuẩn bị mang thai để tăng khả năng thụ thai cũng như đảm bảo sức khỏe thai nhi trong và sau thai kỳ.
Bổ sung các loại vitamin cần thiết
Bổ sung vitamin B9, hay còn gọi là axit folic, là loại vitamin quan trọng nhất đối với mẹ bầu và thai nhi. Axit folic giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh. Những khiếm khuyết này là những dị tật nghiêm trọng của não và tủy sống thai nhi. Lý tưởng nhất là nên bắt đầu bổ sung axit folic ít nhất 3 tháng trước khi mang thai.
Sắt hỗ trợ sự phát triển của nhau thai và thai nhi. Sắt giúp cơ thể tạo máu để cung cấp oxy cho thai nhi. Ngoài ra, sắt cũng giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu (tình trạng máu có số lượng hồng cầu khỏe mạnh thấp).
Ngoài hai loại trên , bố mẹ cũng có thể bổ sung thêm các loại vitamin khác như vitamin C, Magie, Canxi, omega-3,… Tất nhiên, cơ thể mỗi người là khác nhau và sẽ yêu cầu các loại vitamin khác nhau, vì vậy, để chắc chắn nhất, bố mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ phụ sản dựa trên tình hình sức khỏe của bản thân.
Tập thể dục điều độ và giữ lối sống lành mạnh
Sức khỏe của bố mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thai nhi. Chính vì vậy, dù bận rộn, bố mẹ hãy cố gắng vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày. Với bố, việc tập thể dục thường xuyên để duy trì nồng độ hormone testosterone luôn được ở mức ổn định, cải thiện chất lượng tinh trùng, Với mẹ, việc tập thể dục thường xuyên sẽ giúp giữ một cơ thể khỏe mạnh, cải thiện khung xương để chuẩn bị cho một thai kỳ hơn 9 tháng, tăng khả năng chịu đựng khi lâm bồn.
Chuẩn bị cẩn thận về sức khỏe tâm lý
Cũng như sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm lý của mẹ cũng ảnh hưởng rất lớn tới thai nhi trước và trong khi mang thai. Những áp lực về tài chính cũng như sự thay đổi của một số hoocmon trong cơ thể khiến mẹ bầu trải qua nhiều biến đổi trong tâm lý. Vậy nên bố mẹ nên chuẩn bị thật kĩ trước khi mang thai, hoặc tham gia các lớp hợp về tiền sinh sản để bổ sung thêm thông tin, kiến thức, tránh nghe và trao đổi những chuyện không hay về sinh nở hay nuôi dạy bé để tránh tâm trạng lo âu và bức bối.
Xem thêm một số bài viết khác về thai kỳ: