Đối với những tháng đầu đời, việc ọc sữa là việc bình thường xảy ra ở trẻ sơ sinh. Nhất là ngay sau khi được cho bú và bé đột nhiên ọc sữa làm các bậc phụ huynh tự hỏi không biết trẻ có bị gì, liệu có nên dừng lại hay tiếp tục cho bú không? Các bố mẹ đừng lo lắng quá, hãy cùng EmBé Sling tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục nhé!
Ọc sữa là tình trạng sữa từ dạ dày trào ngược lên ống thực quản. Do hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển hoàn thiện, dạ dày nằm ngang, cơ thắt giữa dạ dày và thực quản còn yếu nên thức ăn dạng lỏng - chủ yếu là sữa rất dễ trào ngược lên. Hiện tượng này là bình thường đối với trẻ sơ sinh trong 6 tháng đầu. Tuy nhiên các mẹ cần phân biệt giữa ọc sữa với nôn ở trẻ nhỏ nhé.
Nguyên nhân của việc bé ọc sữa
Ngoài việc hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển hoàn thiện dẫn đến tình trạng dễ ọc sữa, còn một số tác nhân bên ngoài dẫn đến tình trạng ọc sữa ở trẻ nhỏ.
#1 Cho bé bú quá no
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ọc sữa ở trẻ là do bố mẹ cho bé bú quá no. Nhất là đối với các bé hay có tình trạng ọc sữa sau khi được cho bú, bố mẹ lo lắng không có gì trong bụng con nên thường cho bé ti bù. Tuy nhiên do hệ tiêu hóa bé chưa hoàn thiện nên phần sữa dư có thể khiến bé bị đầy bụng và gây ra tình trạng ọc sữa.
#2 Tư thế cho bé bú không đúng cách
Tư thế bế bé không đúng trong lúc cho bú cũng là một trong những nguyên nhân khiến bé dễ ọc sữa mà bố mẹ hay mắc phải. Lỗi thường gặp nhất chính là đặt đầu bé quá cao hoặc quá thấp. Điều này dẫn đến tình trạng lượng sữa chảy ra quá nhiều so với lượng bé có thể bú được dẫn đến tình trạng ọc sữa ở trẻ.
Việc bế bé khi cho bú không đúng cách vào những tháng đầu đời còn ảnh hưởng đến sự phát triển xương cổ và xương lưng của bé. Vì vậy việc bế đúng tư thế khi cho bé bú là một trong những điều bố mẹ cần phải quan tâm đến.
>> Ngoài ra, bố mẹ có thể tham khảo cách cho bé bú trong địu vải nhé!
#3 Do bé khóc nhiều
Khóc là phản ứng bình thường của trẻ nhỏ để đáp lại tác động của môi trường bên ngoài. Tuy nhiên khi bé được vừa được cho ti sữa, việc khóc tạo áp lực trong dạ dày bé, cộng thêm bé sẽ có hiện tượng vặn mình, ho khi khóc nên sữa dễ trào ngược ra.
Bố mẹ có thể tham khảo cách bé ngừng khóc đêm trong trường hợp các bé hay quấy khóc khi giật mình giữa đêm nhé!
#4 Do bé bị quấn quá chặt
Bố mẹ thường quấn bé trong khăn quấn để bé có thể dễ vào giấc và ngủ ngon hơn. Nhưng việc quấn chặt bé sẽ tạo áp lực lên bụng và thành dạ dày của bé, làm việc tiêu hóa sữa của bé gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra việc quấn khăn chặt có thể làm bé khó chịu, dẫn đến tình trạng quấy khóc. Nhiệt độ cơ thể tăng làm bé dễ đổ mồ hôi, nếu không lau mồ hôi kịp thời sẽ bị thấm ngược vào cơ thể bé, dẫn đến nguy cơ bé mắc các bệnh về đường hô hấp.
Trong trường hợp tã hoặc bỉm bé quá chật, bố mẹ có thể nới lỏng ra cho bé thoải mái. Nên ưu tiên mặc những bộ quần áo rộng rãi, thấm hút mồ hôi tốt cho trẻ.
#5 Cho bé ngủ sai tư thế
Thông thường bé sẽ ngủ sau khi được bú no. Đầu bé quá thấp hoặc bằng hay tư thế ngủ nằm sấp úp mặt sẽ khiến sữa dễ trào ngược lên. Vì vậy bố mẹ chú ý phần đầu bé nên được kê lên một góc 30 độ, điều này sẽ giúp thực phẩm trong dạ dày bé không trào ngược lên khi bé nằm ngủ. Kiểu dáng và chất liệu gối cần được đảm bảo thích hợp để hỗ trợ tốt nhất cho vấn đề tiêu hóa và xương cổ bé.
Đặc biệt, không được cho bé nằm ngay khi vừa bú xong. Trẻ dễ nuốt hơi trong lúc bú sữa, đặt bé nằm ngay sẽ làm hơi trào ngược ra ngoài, dễ dẫn đến tình trạng ọc sữa.
Nguyên nhân bệnh lý
Nếu đã khắc phục được các nguyên nhân khách quan trên mà các bé vẫn có dấu hiệu ọc sữa nhiều lần trong ngày, kéo dài trên 24 tiếng, đặc biệt là các bé có kèm theo các triệu chứng quấy khóc, chướng bụng, sốt cao, co giật, nôn ra máu hoặc mật, có dấu hiệu mất nước thì bạn không nên chủ quan và cần đưa trẻ đi thăm khám, điều trị sớm. Vì biểu hiện ọc sữa kèm các triệu chứng trên có thể là dấu hiệu bé mắc các bệnh về đường tiêu hóa:
Hẹp phì đại môn vị
Các bệnh lý ngoại khoa đường tiêu hóa như xoắn ruột, lồng ruột, tắc ruột
Bệnh lý đường ruột: tiêu chảy, viêm đường ruột,...
Các dị tật ở đường tiêu hóa như hẹp thực quản, hẹp tá tràng,…
Các bố mẹ nên đưa bé đến cơ sở thăm khám để tìm ra nguyên nhân sớm nhất, bảo đảm cho sự phát triển toàn diện của trẻ sau này.