Ngoài vệ sinh các vùng mắt, mũi và tai, ba mẹ đừng quên vệ sinh những vùng khác như vùng rốn, vùng nhạy cảm hoặc các kẻ ngón tay, ngón chân của bé. Bài viết này, EmBé Sling ghi lại những lưu ý dành cho ba mẹ khi vệ sinh cho con, giúp bé yêu không chỉ thoải mái và còn sạch sẽ, thơm tho, phòng tránh các nguy cơ nhiễm bệnh và nhiễm khuẩn.
Vệ sinh vùng rốn cho bé
Sau khi bé được sinh ra, dây rốn sẽ được kẹp lại để giữ cuống rốn sạch sẽ, quy trình rụng dây rốn sẽ phụ thuộc vào cơ địa mỗi bé (khoảng từ 7 đến 10 ngày sau sinh). Cuống rốn sẽ lành hoàn toàn thông thường sau khoảng 15 ngày, như vậy thời gian khi rốn bé chưa lành hoàn toàn, rất dễ nhiễm trùng. Vì vậy, vệ sinh rốn đúng cách có hiệu quả giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn và lây lan sang các vùng xung quanh.
Khi nào cần vệ sinh rốn cho bé?
Ba mẹ nên vệ sinh rốn cho bé mỗi ngày 1 lần (khi bé chưa rụng rốn và đã rụng rốn) hoặc sau khi bé đi tiêu (bé đi ngoài) và không nên để dây rốn bé tiếp xúc với nước hoặc xà phòng vì dễ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở bé. Nếu rốn bé bị ướt, ba mẹ lau khô bằng khăn mềm.
Dấu hiệu nhận biết bé rụng rốn
Rốn bé bắt đầu khô lại và không còn ướt như trước
Rốn se lại và chuyển màu sang nâu xám hoặc xanh
Sau khi cuống rốn rụng, lỗ rốn của bé đôi khi có thể nổi mẩn đỏ, hoặc chảy máu và điều này là bình thường vì lỗ rốn đang trong quá trình lành lại.
Hướng dẫn vệ sinh rốn cho bé
Ba mẹ có thể thực hiện các bước dưới đây cho bé sơ sinh chưa rụng rốn và tiếp tục duy trì việc vệ sinh rốn cho bé, giữ vùng rốn được khô thoáng, vệ sinh rốn hằng ngày hoặc khi rốn bé bị vết bẩn dính vào.
Chuẩn bị: bông và gạc vô trùng, nước muối sinh lý
Cách vệ sinh rốn cho bé: Ba mẹ quan sát và kiểm tra vùng rốn của trẻ xem có dấu hiệu bất thường như chảy mủ, mùi hôi, đỏ hoặc sưng tấy hay không, sau đó, dùng miếng bông vô trùng đã thấm nước muối sinh lý xoa nhẹ quanh rốn, và lau khô lại bằng một miếng bông vô trùng khác.
Lưu ý khi vệ sinh rốn cho con
Ba mẹ cần rửa tay bằng xà phòng và sát khuẩn tay thêm bằng cồn 70 độ
Lau khô nhẹ nhàng vùng quanh rốn bé
Vệ sinh rốn bé thường xuyên và giữ khô ráo, không để rốn bé tiếp xúc với xà phòng
Vệ sinh vùng nhạy cảm
Khi nào nên vệ sinh vùng nhạy cảm cho con?
Khi tắm hoặc thay tã bỉm, ba mẹ nên lưu ý cả việc vệ sinh vùng nhạy cảm giúp bé thoải mái, sạch sẽ và khô thoáng, phòng tránh được các nguy cơ nhiễm bệnh hoặc nhiễm khuẩn có thể xảy đến. Dưới đây là một số lưu ý khi ba mẹ vệ sinh cho bé, đặc biệt là khi vệ sinh cho các bé gái.
Hướng dẫn vệ sinh vùng nhạy cảm
Chuẩn bị: nước ấm, khăn mềm, tã mới
Cách vệ sinh cho bé: Một tay mở tã/ bỉm, tay còn lại nhấc 2 chân bé lên nhẹ nhàng để vệ sinh cho bé. Ba mẹ nên vệ sinh cho bé theo nguyên tắc: từ trên xuống, từ trong ra ngoài. Đầu tiên ba mẹ lau sạch phân còn dính trên người bé, và cẩn thận lau sạch mông và bộ phận sinh dục cũng như các nếp gấp của bé (để dễ dàng hơn, ba mẹ có thể dùng khăn giấy ướt quấn quanh ngón tay khi vệ sinh cho bé). Lau khô lại với khăn mềm bằng những cái vỗ vỗ nhẹ liên tiếp. Khi lau, ba mẹ lưu ý quan sát xem con có bị vấy bẩn ngược lại từ tã/ bỉm không trước khi mặc tã/ bỉm mới
Lưu ý khi vệ sinh vùng nhạy cảm cho bé:
Nên vệ sinh vùng nhạy cảm cho bé trước khi mặc tã mới cho bé
Vệ sinh cho bé theo nguyên tắc: từ trên xuống
Lau khô cho bé bằng khăn mềm
Những lưu ý khác khi vệ sinh cho bé sơ sinh
Lưu ý khi tắm cho bé sơ sinh
Khi tắm cho bé sơ sinh, vì cơ thể bé còn yếu, chưa phát triển hoàn toàn, nên khi tắm cho bé, ba mẹ nên lưu ý một số điều sau:
Bé vừa mới sinh, chưa rụng rốn, ba mẹ có thể vệ sinh cơ thể cho bé bằng khăn ẩm, chưa nên tắm cho bé bằng nước.
Chú ý đến các kẽ ngón tay, ngón chân, dưới cánh tay, sau gáy, kẽ cổ và khu vực quấn tã/ bỉm, ba mẹ có thể dùng xà phòng chuyên dành cho bé sơ sinh.
Ba mẹ đừng quên kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm bé, 38 độ là nhiệt độ lý tưởng và không được quá 49 độ.
Mực nước nên tới vai bé, không nên quá cao
Nên vệ sinh cơ thể bé thường xuyên bằng việc dùng khăn ấm lau cơ thể bé, không nên tắm mỗi ngày, nên tắm từ 2-3 lần/ tuần
Lưu ý khi cắt móng tay/chân cho bé
Ba mẹ có thể cắt móng tay cho bé khi bé được 1 tuần tuổi, nên cắt với tần suất từ 1-2 lần/ tuần
Dùng bấm móng tay chuyên dụng để cắt theo hình móng tay bé, không nên cắt quá sát khiến bé khó chịu
Ba mẹ có thể ấn nhẹ phần thịt ngón tay xuống để dễ cắt và an toàn hơn.
Khi bé quấy khóc, ba mẹ không nên tiếp tục cắt móng tay cho bé, mà nên chờ thời điểm thuận tiện khác, ví dụ như khi bé đang ngủ
Hy vọng với những chia sẻ từ EmBé Sling có thể giúp ba mẹ chăm con nhẹ nhàng và đưa ra được lựa chọn phù hợp khi chăm sóc bé yêu. Tuy chăm sóc bé sơ sinh có đôi chút mệt mỏi nhưng sẽ là những trải nghiệm và kỉ niệm quý báu của cả gia đình. Nếu bé có những biểu hiện bất thường, ba mẹ nên đưa bé đến bác sĩ thăm khám và được chữa trị đúng cách và kịp thời.
Những bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ sơ sinh (phần 1)
Những bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ sơ sinh và cách điều trị (phần 2)