Theo WHO ( Tổ chức Y tế thế giới), trầm cảm sau sinh đang dần trở nên phổ biến, trong đó, có từ 10% đến 20% số phụ nữ trên toàn thế giới đang phải đối phó với căn bệnh này. Còn ở Việt Nam, tỉ lệ này có thể lên tới 33%. Cứ 10 người thì 3 người có nguy cơ mắc phải. Nhưng có tới 50% số đó không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế. (Báo cáo năm 2022)
Trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh là một tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng liên quan đến não và ảnh hưởng đến hành vi cũng như sức khỏe thể chất của bạn. Nếu bạn bị trầm cảm, cảm giác buồn bã và vô vọng sẽ không biến mất và có thể cản trở cuộc sống hàng ngày của bạn. Bạn có thể không cảm thấy được kết nối với con mình, như thể bạn không phải là mẹ của đứa bé, thậm chí bạn có thể không yêu thương hay chăm sóc đứa bé.
Cần phân biệt “baby blues” và trầm cảm sau sinh
Hội chứng baby blues là gì? Trong thời kỳ hậu sản, một số bà mẹ cảm thấy buồn bã, lo lắng hoặc mệt mỏi trong vòng vài ngày sau khi sinh. Đối với nhiều phụ nữ, “baby blue” sẽ biến mất sau vài ngày. Nếu những cảm giác này không biến mất hoặc bạn cảm thấy buồn, vô vọng hoặc lo lắng lâu hơn 2 tuần, bạn có thể bị trầm cảm sau sinh.
Nguyên nhân của việc trầm cảm sau sinh
Nguyên nhân chính xác của trầm cảm sau sinh vẫn chưa được biết và nhiều yếu tố khác nhau có thể góp phần gây ra triệu chứng này.
Sự thay đổi nội tiết tố có thể gây ra các triệu chứng trầm cảm sau sinh: Khi bạn mang thai, nồng độ hormone nữ estrogen và progesterone sẽ ở mức cao nhất và giảm về mức bình thường trong 24 giờ đầu sau khi sinh. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự thay đổi đột ngột về mức độ hormone này có thể dẫn đến trầm cảm.
Các nguyên nhân khác từ bên ngoài: Việc mang thai và sinh em bé là một thử thách lớn với bất kỳ phụ nữ nào dù việc mang thai là theo đúng kế hoạch hay ngoài ý muốn, các mẹ bầu cần thời gian điều chỉnh lại các lối sống sinh hoạt và phải từ bỏ rất nhiều thứ yêu thích. Nếu như không được sự giúp đỡ và thấu hiểu từ những người thân bên cạnh thì dễ cảm thấy lạc lõng và ảnh hưởng tới cảm xúc. Đặc biệt, nếu đứa bé có vấn đề về sức khỏe thì cảm giác tức giận hay có lỗi càng gây áp lực lên tâm lý của người mẹ.
Các dấu hiệu cho của chứng trầm cảm sau sinh
Bạn có thể bị trầm cảm sau sinh nếu gặp phải một số điều sau đây:
- Cảm thấy buồn, vô dụng, vô vọng hoặc tội lỗi.
- Lo lắng quá mức hoặc cảm thấy khó chịu.
- Mất hứng thú với sở thích hoặc những thứ bạn từng yêu thích.
- Thay đổi khẩu vị hoặc bỏ ăn.
- Mất năng lượng và động lực.
- Khó ngủ hoặc lúc nào cũng muốn ngủ.
- Khóc không có lý do hoặc khóc quá mức.
- Khó suy nghĩ hoặc tập trung.
- Ý nghĩ tự tử hoặc ước gì mình đã chết.
- Thiếu quan tâm đến em bé hoặc cảm thấy lo lắng khi ở bên em bé.
- Suy nghĩ làm tổn thương con bạn hoặc cảm giác như bạn không muốn con mình.
Nếu như đang gặp phải những triệu chứng trên đây và nghi ngờ mình bị mắc chứng trầm cảm sau sinh, bạn nên liên hệ ngay với các trung tâm y tế và các bác sĩ tâm lý sớm nhất để được điều trị kịp thời trước khi các trường hợp đáng tiếc xảy ra. Có thể nói, nếu như được phát hiện và điều trị càng sớm thì khả năng hồi phục sẽ càng cao hơn.