Trước tình hình số lượng các ca trẻ sơ sinh nhập viện và tử vong do virus Adeno tăng đột biến trong năm nay, bố mẹ cần nắm rõ các kiến thức phòng tránh và nhận biết triệu chứng của trẻ khi mắc bệnh này để có thể kịp thời chữa trị, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Virus Adeno là gì và ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe của bé?
Adenovirus là loại virus phổ biến trên thế giới có khả năng gây viêm đường hô hấp ở người, nhất là đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang có xu hướng bùng phát mạnh ở nước ta.
Ở trẻ em, adenovirus thường gây nhiễm trùng ở hệ hô hấp, nhưng chúng cũng gây nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Adenovirus cũng có thể xâm nhập phổi và lây nhiễm sang mắt, dạ dày và ruột. Thậm chí, những loại virus này có thể lẻn qua hệ thống miễn dịch và tấn công gan, tim hoặc não (trường hợp hiếm gặp)
Adenovirus chiếm đoạt hoạt động bên trong của tế bào, biến chúng thành nhà máy sản xuất virus. Điều này làm cho vi rút nhân lên và lây lan nhiễm trùng, nhưng cuối cùng dẫn đến phá hủy tế bào và phản ứng viêm dữ dội. Có hơn 60 kiểu huyết thanh ở người của adenovirus, vì vậy cho dù cơ thể hình thành khả năng miễn dịch chống lại một loại, vẫn còn rất nhiều loại khác đang chờ đợi để tấn công cơ thể của bé.
Nguyên nhân và triệu chứng?
Adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người. PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh- Giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết: Virus Adeno có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày.
Các triệu chứng của adenovirus phụ thuộc vào vị trí nhiễm trùng. Vì đường hô hấp trên là phổ biến nhất, trẻ em thường có biểu hiện sốt, nghẹt mũi, ho và đau họng. Liên quan đến mắt gây ra viêm kết mạc (còn được gọi là "mắt đỏ"), và nhiễm trùng đường tiêu hóa dẫn đến nôn mửa và tiêu chảy. Đôi khi tất cả các triệu chứng này có thể xuất hiện cùng lúc
Có một sự thật là các triệu chứng do adenovirus rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, cách tốt nhất để biết trẻ có bị mắc virut là xét nghiệm PCR. Vậy nên nếu bố mẹ phát hiện những triệu chứng tương tự với virus Adeno thì nên đưa bé tới những cơ sở y tế gần nhất để được xét nghiệm và có liệu trình điều trị thích hợp nhất.
Sốt do adenovirus thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng các triệu chứng khác có thể kéo dài một tuần hoặc hơn. Điều này là do ngay cả sau khi vi rút đã bị đánh bại, cơ thể vẫn phải dọn dẹp các tế bào bị phá hủy và tạo ra các tế bào mới.
Cách điều trị bệnh
- Nếu trẻ bị sốt, cho trẻ uống thuốc hạ sốt, bù nước và điện giải
- Không sử dụng thuốc kháng sinh hay thuốc kháng virus nếu không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Nhỏ mũi, súc miệng bằng nước muối sinh lý để giảm đau họng.
- Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, chọn thức ăn dễ tiêu hóa, có thể chia nhỏ bữa ăn để hạn chế nôn trớ và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Cách phòng tránh
Adenovirus là một vi sinh vật “sống dai”. Nó vẫn tồn tại trên các đồ vật và bề mặt trong một thời gian dài, và chất khử trùng gốc cồn không giết được nó. Vi rút có trong dịch tiết miệng, giọt đường hô hấp, dịch tiết ở mắt và phân. Nó dễ dàng truyền từ trẻ này sang trẻ khác, đặc biệt là khi trẻ tiếp xúc gần trong trường mẫu giáo hay lớp học. Nó cũng lây lan nếu không tiếp xúc trực tiếp, với xe đẩy, tay nắm cửa, đồ chơi và thiết bị vui chơi là những nguồn ô nhiễm phổ biến. Điều này giải thích tại sao nhiễm trùng adenovirus lại phổ biến đến thế
Một số điều bố mẹ cần lưu ý để phòng tránh virus Adeno cho bé:
- Cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ. Với trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ nên cho trẻ bú đến khi tròn 2 tuổi.
- Vệ sinh mũi họng cho trẻ sơ sinh thường xuyên bằng cách nhỏ mũi với nước muối sinh lý. Với trẻ lớn, có thể cho bé súc họng với nước muối hằng ngày
- Thường xuyên rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang cho trẻ khi đến nơi công cộng.
- Cho trẻ mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ để tránh bị nhiễm lạnh
- Tiêm phòng đầy đủ vaccine để phòng các bệnh lý hô hấp khác.
Khi nào thì bé cần nhập viện?
Nếu bé được chuẩn đoán dương tính với virus Adeno và có những dấu hiệu sau thì sẽ được nhập viện để theo dõi:
- Khó thở: thở nhanh theo tuổi, rút lõm lồng ngực, khó thở thanh quản.
- Suy hô hấp hoặc giảm ô xy máu: tím, SpO 2 < 94%
- Có dấu hiệu toàn thân nặng: Nôn không uống thuốc được, co giật, li bì, tình trạng nhiễm trùng nặng.
- Bệnh nền nặng: bệnh phổi mạn, suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch nặng…
- Tổn thương trên X-quang phổi: tổn thương phổi nặng, hoại tử phổi, abces phổi, TDMP, TKMP.