Trước nhiều tình hình diễn biến phức tạp về dịch Covid như hiện nay, việc tiêm hay không tiêm vaccines khiến cho nhiều mẹ bầu phân vân, đắn đo. Mong rằng bài viết này sẽ đưa đến thông tin đầy đủ hơn về vấn đề tiêm vaccine ngừa Covid-19 để các mẹ bầu có thể cân nhắc đưa ra các quyết định đúng cho mình.
Lưu ý: Bài viết này không có ý cổ súy hay ủng hộ bất kì quan điểm nào mà chỉ đơn giản tổng hợp các ý kiến từ các tổ chức y tế và dịch bệnh Quốc tế. Mong người đọc có cái nhìn phiến diện và đưa ra quyết định phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình.
1. Vaccine Sinopharm có an toàn cho phụ nữ mang thai không?
Dữ liệu hiện có về vắc xin COVID-19 BIBP, hay còn gọi là vaccine Sinopharm ở phụ nữ mang thai không đủ để đánh giá hiệu quả của vắc xin hoặc các rủi ro liên quan đến vắc xin trong thai kỳ. Tuy nhiên, vắc xin này là vắc xin bất hoạt với chất bổ trợ thường được sử dụng trong nhiều loại vắc xin khác với hồ sơ an toàn tốt đã được ghi nhận, kể cả ở phụ nữ mang thai. Do đó, hiệu quả của vắc xin Sinopharm ở phụ nữ có thai được kỳ vọng sẽ tương đương với hiệu quả quan sát được ở phụ nữ không mang thai ở độ tuổi tương tự.
Tạm thời, WHO khuyến cáo sử dụng vắc xin Sinopharm cho phụ nữ mang thai khi lợi ích của việc tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai lớn hơn những rủi ro có thể xảy ra. Để giúp phụ nữ mang thai thực hiện đánh giá này, họ cần được cung cấp thông tin về các nguy cơ của COVID-19 trong thai kỳ; những lợi ích có thể có của việc tiêm chủng trong bối cảnh dịch tễ học địa phương; và những hạn chế hiện tại của dữ liệu an toàn ở phụ nữ có thai. WHO không khuyến nghị thử thai trước khi tiêm chủng. Tổ chức Y tế Thế giới WHO không khuyến cáo trì hoãn mang thai hoặc cân nhắc việc bỏ thai vì tiêm vắc xin.
(Nguồn: WHO The Sinopharm COVID-19 vaccine: What you need to know
https://www.who.int/news-room/feature-stories/detail/the-sinopharm-covid-19-vaccine-what-you-need-to-know)
2. Khuyến cáo từ Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) của Hoa Kỳ
Trong khi đó Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) của Hoa Kỳ khuyến khích tất cả những người đang mang thai hoặc những người đang nghĩ đến việc mang thai và những người đang cho con bú nên tiêm vắc xin để bảo vệ mình khỏi COVID-19. Giám đốc CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết. “Các loại vắc xin an toàn và hiệu quả, và việc tăng cường tiêm chủng chưa bao giờ cấp thiết hơn khi chúng tôi đối mặt với biến thể Delta có khả năng lây truyền cao và nhận thấy hậu quả nghiêm trọng từ COVID-19 ở những người mang thai không được tiêm chủng”.
(Nguồn: https://www.cdc.gov/media/releases/2021/s0811-vaccine-safe-pregnant.html)
Một phân tích CDC mới về dữ liệu hiện tại từ cơ quan đăng ký mang thai v-safe đã đánh giá việc tiêm phòng sớm trong thai kỳ và không tìm thấy nguy cơ sẩy thai tăng lên trong số gần 2.500 phụ nữ mang thai được tiêm vắc xin mRNA COVID-19 trước khi mang thai 20 tuần. Sảy thai thường xảy ra ở khoảng 11-16% các trường hợp mang thai, và nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ sẩy thai sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 là khoảng 13%, tương tự như tỷ lệ sẩy thai dự kiến trong dân số nói chung. (Nguồn:https://www.researchsquare.com/article/rs-798175/v1)
Hay nói cách khác, theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) của Hoa Kỳ, nghiên cứu này đã chỉ ra việc tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19 không có ảnh hưởng tới tỷ lệ sảy thai.
3. Công văn mới nhất của Bộ Y tế về việc tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai
Tại Việt Nam, theo Công văn được Bộ y tế ban hành ngày 21/8/2021, Bộ Y tế yêu cầu căn cứ vào tình hình dịch bệnh của địa phương, khả năng cung ứng vaccine COVID-19, xem xét ưu tiên tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai, bà mẹ đang cho con bú trên địa bàn, đơn vị. Tất nhiên, là vẫn phải hoàn toàn cẩn thận thực hiện theo quy định của Quyết định 3802 do Bộ Y tế ban hành.
(Có thể tham khảo thêm tại đây: https://covid19.gov.vn/bo-y-te-yeu-cau-khan-xem-xet-uu-tien-tiem-vaccine-covid-19-cho-phu-nu-mang-thai-1717450912.htm)